Bệnh bụi phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị chính xác
-
8 Tháng 9, 2024
-
94
Không bí bị ô nhiễm, môi trường làm việc bụi bẩn là những nguyên nhân có thể gây ra bệnh bụi phổi. Việc trang bị những kiến thức về triệu chứng và các điều trị bệnh bụi phổi sẽ giúp người bệnh tránh được các biến chứng nguy hiểm. Cùng ONCARE tìm hiểu về bệnh bụi phổi trong bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Toggle1. Thế nào là bệnh bụi phổi?
Bệnh bụi phổi (tên tiếng Anh: Pneumoconiosis) là một trong những nhóm bệnh lý phổi kẽ do hít phải các loại bụi làm tổn thương phổi. Bệnh thường gặp ở những nơi làm việc bụi bẩn nên còn được gọi là bệnh phổi nghề nghiệp.
Đây là tình trạng tích tụ bụi bẩn trong phổi nhiều năm và tiến triển thành bệnh bụi phổi. Khi phổi không thể loại bỏ được các hạt bụi này có thể dẫn đến tình trạng viêm phổi và gây ra các mô sẹo. Bệnh cũng gây tổn thương tới các mạch máu và túi khí trong phổi. Từ đó, các mô bao quanh túi khí và đường dẫn khí trở nên dày, cứng hơn. Tình trạng này được gọi là bệnh phổi kẽ và người bệnh có thể gặp các triệu chứng khó thở nặng hơn.
2. Phân loại bệnh bụi phổi
Theo GS.TS.BS Ngô Quý Châu, bệnh bụi phổi xuất hiện ở nhiều dạng khác nhau và tùy vào loại bụi trong phổi của người bệnh. Trong đó, thường gặp nhất là loại bệnh bụi phổi amiăng, bụi phổi silic và bụi phổi công nhân than (còn được gọi là phổi đen hoặc CWP). Như tên gọi, các loại bệnh bụi phổi này xảy ra khi người bệnh hít phải sợi amiăng, bụi silic và bụi mỏ than.
Bệnh có thể xuất hiện ở dạng phức tạp hoặc đơn giản. Trong trường hợp đơn giản, trên phim chụp X-Quang có thể xuất hiện các mô sẹo nhỏ dưới dạng vòng tròn và dày lên, còn được gọi là nốt sần. Trường hợp bệnh tiến triển phức tạp và gây ra biến chứng thì phổi có rất nhiều sẹo, gọi là bệnh xơ phổi.
Thông thường, những hạt bụi xâm nhập vào phổi phải mất nhiều năm hình thành và phát triển thành bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh bụi phổi có thể tiến triển nhanh, chỉ sau một thời gian ngắn người bệnh hít một lượng lớn bụi (đặc biệt là bụi silic) vào phổi. Khi bệnh tiến triển nặng có thể gây ra suy phổi, suy thoái các cơ quan nội tạng, tàn phế và đe dọa đến tính mạng.

3. Triệu chứng của bệnh bụi phổi
Dấu hiệu nhận biết bệnh bụi phổi khác nhau, tùy theo tác nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Người mắc bệnh có thể không có triệu chứng gì hoặc có triệu chứng từ nặng đến nhẹ.
Các triệu chứng của bệnh bụi phổi thường gặp nhất là:
– Ho khan hoặc ho khạc đờm đen;
– Ho ra máu vào buổi sáng;
– Cảm giác đau nhói, đau tức ngực;
– Khó thở, hụt hơi;
Biến chứng nguy hiểm của bệnh bụi phổi thường gặp gồm:
– Viêm phế quản mãn tính;
– Suy hô hấp;
– Ung thư phổi;
– Mắc bệnh lao phổi;
– Suy tim do áp lực từ bên trong phổi.
Nếu tình trạng bụi vào phổi không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh. Ngay cả khi được điều trị nhưng không được chăm sóc tốt, không phòng ngừa nguy cơ làm bệnh tái phát thì vẫn có thể gây biến chứng.

4. Nguyên nhân gây ra bệnh bụi phổi
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh bụi phổi là do người bệnh thường xuyên tiếp xúc với những vật liệu có khả năng tán thành những hạt rất nhỏ và xâm nhập vào phổi. Có nhiều loại bụi, trong đó thường gặp nhất là bụi than, amiăng, silic…
Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh bụi phổi?
Bất kỳ ai tiếp xúc trực tiếp với bụi đều có nguy cơ hít bụi vào phổi và dẫn đến bệnh bụi phổi. Trong một nghiên cứu cho thấy, khoảng 16% công nhân khai thác than ở Mỹ có thể mắc phải tình trạng xơ hóa kẽ do bụi than ở khu khai thác.
Bên cạnh đó, một số yếu tố gây nên bệnh khác như:
– Thường xuyên sử dụng thuốc lá;
– Tiếp xúc với bụi ở mức độ cao;
– Tiếp xúc với bụi trong thời gian dài.

5. Hướng dẫn cách điều trị bệnh bụi phổi
5.1. Phương pháp chẩn đoán bệnh bụi phổi
Khi có dấu hiệu bất thường ở phổi, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và hỏi về môi trường làm việc cũng như tiền sử bệnh lý liên quan (nếu có). Sau đó, để việc chẩn đoán mức độ bệnh bụi phổi được chính xác hơn, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp kiểm tra cận lâm sàng.
Các chuyên gia khuyến cáo, công nhân khai thác than dưới lòng đất phải chụp X-Quang phổi sau mỗi 3 hoặc 5 năm để phát hiện sớm bệnh và có biện pháp can thiệp kịp thời. Các phương pháp chẩn đoán, xác định bụi trong phổi như sau:
– Hỏi về môi trường làm việc, mức độ tiếp xúc với bụi;
– Tiền sử bệnh lý liên quan đến phổi;
– Kiểm tra thể chất;
– Chụp X-Quang hoặc làm CT ngực nhằm phát hiện các nốt phổi, khối u và bệnh mô kẽ;
– Xét nghiệm khí máu;
– Sinh thiết bằng phẫu thuật (lấy mô phổi để thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết khác).

5.2. Cách điều trị bệnh bụi phổi
Hiện nay chưa có cách điều trị dứt điểm bệnh bụi phổi. Các phương pháp chủ yếu là sử dụng kháng sinh, rửa phổi hoặc thở oxy để kiểm soát triệu chứng bệnh và ngăn bệnh tiến triển nhanh chóng, gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Các khuyến cáo giúp quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn như:
– Ngưng sử dụng thuốc lá (nếu có thói quen này);
– Hạn chế tiếp xúc với bụi. Trường hợp đặc tính công việc, làm việc trong môi trường nhiều bụi thì cần thực hiện các biện pháp bảo vệ đường thở và khám định kỳ;
– Với người bệnh có triệu chứng khó thở thì có thể cân nhắc dùng liệu pháp oxy hoặc thở máy;
– Sử dụng thuốc giãn phế quản để mở các đoạn phổi, giảm triệu chứng khó thở ở người bệnh. Tuy nhiên, việc dùng thuốc điều trị phải theo chỉ định của bác sĩ. Khuyến cáo người bệnh không tự ý dùng thuốc để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Trên đây là toàn bộ nội dung tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và các điều trị bệnh bụi phổi. Hy vọng với những thông tin hữu ích ở trên sẽ giúp bạn nhanh chóng nhận biết được triệu chứng bệnh và sắp xếp thời gian đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời khi mắc loại bệnh lý này nhé.